Biến chứng cắt hạch kinh giao cảm thường gặp là gì?16/10/2018 - 0
-
Tham gia 01/03/2016
Không còn khả năng điều tiết mồ hôi ở phần thân trên
Mồ hôi hết hẳn, da khô ráo hoàn toàn không phải là điều tốt bởi bài tiết mồ hôi chính là cơ chế điều hòa thân nhiệt cần thiết của cơ thể. Cắt hạch giao cảm đồng nghĩa với việc cơ thể đã mất đi khả năng tự làm mát, đặc biệt là mỗi khi gặp thời tiết nắng nóng, vận động nhiều. Kết quả là cơ thể sẽ trở nên quá nóng; đồng thời vùng thân trên như đầu, mặt, bàn tay lại trở nên khô ráp, bong da, xù xì…
Tăng tiết mồ hôi bù trừ ở nhiều vị trí
Có tới 40 – 60% trường hợp gặp phải biến chứng tăng tiết mồ hôi bù trừ sau cắt hạch giao cảm. Tình trạng này có thể không xuất hiện ngay sau phẫu thuật mà xuất hiện muộn hơn sau khoảng một đến hai năm. Lòng bàn tay là nơi tập trung khá nhiều tuyến mồ hôi, nếu mồ hôi giảm tiết ở vị trí này cơ thể bắt buộc phải tăng tiết ở những khu vực khác ở phần dưới cơ thể như chân, lưng bụng, đùi bẹn… để đảm bảo duy trì thân nhiệt ổn định. Mặc dù hiện nay kỹ thuật cắt hạch thần kinh giao cảm đã có những bước tiến mới nhưng biến chứng này vẫn chưa thể khắc phục.
Biến chứng liệt dương, tiểu không tự chủ
Trước đây, cắt hạch thần kinh giao cảm còn được thực hiện để điều trị mồ hôi chân nhưng hiện nay không còn được tiến hành nữa. Nguyên nhân đến từ những biến chứng nặng nề xuất hiện sau cắt hạch ở thắt lưng chi phối hoạt động bài tiết mồ hôi ở vùng thân dưới. Đối với nam giới có thể gây liệt dương, xuất tinh ngược và ở nữ giới có thể gây tiểu không tự chủ.
Mồ hôi tái phát trở lại
Khoảng 5% trường hợp tái phát mồ hôi tay trở lại khoảng một năm sau cắt hạch thần kinh giao cảm, có thể xuất hiện ở chỉ một hoặc cả 2 bàn tay. Bên cạnh đó, bàn tay có dấu hiệu lạnh buốt bất kể trời đông hay hè, nhất là những khi căng thẳng, lo lắng. Đây cũng là lý do mà cắt hạch thần kinh giao cảm không được chỉ định ở người bị hội chứng Raynaud – căn bệnh gây tím tái đầu chi do bị giảm lưu lượng máu đến nuôi dưỡng.
Nhịp tim quá chậm
Khoảng 1 – 2% người sau cắt hạch thần kinh giao cảm gặp phải biến chứng giảm nhịp tim. Bởi lẽ, hệ thần kinh giao cảm ngoài chỉ huy hoạt động của tuyến mồ hôi còn kích thích làm tăng nhịp tim, đặc biệt là mỗi khi căng thẳng, hồi hộp. Do đó, khi các hạch giao cảm bị phá hủy sẽ làm rối loạn nhịp tim khiến tim đập quá chậm, kèm theo khó thở, mệt mỏi… Nếu nhịp tim giảm xuống 50 nhịp/phút sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Hội chứng Horner
Cắt hạch thần kinh giao cảm có thể gây tổn thương các dây thần kinh giao cảm chi phối vùng mặt, dẫn tới hội chứng Horner với biểu hiện sụp mí mắt, giảm mồ hôi ở một bên mặt… Biến chứng này khá hiếm gặp và thường tự biến mất sau một thời gian, đôi khi bạn có thể cần can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ để nâng mí mắt.
Tăng tiết mồ hôi vị giác
Đổ mồ hôi vị giác là hiện tượng mồ hôi tăng tiết nhiều ở vùng đầu mặt khi ăn uống hoặc đôi khi chỉ là ngửi mùi thức ăn chứa nhiều gia vị cay, mồ hôi mặt đã đầm đìa. Biến chứng cắt hạch giao cảm này có thể xuất hiện ở 10 – 20% người bệnh.
Các tác dụng phụ khác
Bên cạnh những rủi ro trên, cắt hạch giao cảm còn gây ra một số biến chứng hiếm gặp như tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, dị ứng thuốc gây mê, đau dây thần kinh liên sườn… và một số tác dụng không mong muốn ít nguy hiểm hơn như chóng mặt, khô da, rụng tóc, nhạy cảm với ánh sáng…