Bỏng là gì? Nguyên nhân của bỏng18/02/2019 - 0
-
Tham gia 16/01/2017
Bỏng là gì?
Phỏng hay bỏng là một chấn thương da, cơ hoặc các mô khác của cơ thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Bỏng gây ra cảm giác nóng rát và có thể khiến cho các mô này bị tổn thương từ mức độ nhẹ đến nặng hoặc tổn thương vĩnh viễn không thể phục hồi.
Nguyên nhân gây bỏng
Bỏng nhiệt
Bỏng nhiệt là loại bỏng hay gặp nhất. Trong bỏng nhiệt được chia thành:
- Bỏng do nhiệt nóng: khi cơ thể tiếp xúc với lửa, hơi nước nóng, các vật nóng hoặc các chất lỏng nóng như xăng, dầu…
- Bỏng do nhiệt lạnh: nhiều người thường lầm tưởng rằng chỉ có nhiệt độ nóng mới làm cho chúng ta bị bỏng. Các trường hợp như khí nitơ lỏng, băng đá lạnh hoặc các vật dụng có nhiệt độ âm cũng có thể làm cho cơ thể bị bỏng khi tiếp xúc.
- Nhiệt độ thấp cũng gây ra bỏng lạnh
Bỏng hóa chất
Tiếp xúc với các loại hóa chất qua da hay qua đường tiêu hóa có thể gây bỏng nặng. Các hóa chất đó có thể là những dung dịch axit mạnh, kiềm mạnh (vôi tôi) hoặc những chất oxy hóa mạnh (thuốc tím, phenol). Các trường hợp bỏng do hóa chất thường xảy ra ở công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, nơi tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại mà không được bảo hộ lao động.
Bỏng điện
Loại bỏng này xảy ra khi tiếp xúc với nguồn điện hay bị sét đánh. Lúc này, nhiệt độ rất cao và có thể gây bỏng sâu, có khi tới cơ xương, mạch máu. Ngoài gây ra những tổn thương cho mô, bỏng điện còn ảnh hưởng đến tim mạch và hô hấp, khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.
Bỏng bức xạ
Nếu cơ thể ở bên dưới ánh mặt trời quá lâu vào thời điểm nắng gắt thì có thể bị bỏng bức xạ. Bệnh nhân được xạ trị điều trị ung thư với tia X nhưng không kiểm soát liều lượng phát tia phù hợp cũng có nguy cơ bỏng.
Triệu chứng và các cấp độ bỏng
Biểu hiện của bỏng rất đa dạng từ đỏ da đến phồng rộp hay hoại tử. Tùy vào mức độ tổn thương hay cấp độ bỏng mà sẽ có những biểu hiện da và mô khác nhau. Các triệu chứng chung là cảm giác đau, rát và thay đổi màu sắc da vùng bị bỏng.
Bỏng độ 1
Đây là cấp độ ít gây tổn thương mô nhất. Trường hợp này chỉ ảnh hưởng đến lớp ngoài cùng của da với các biểu hiện: tấy đỏ, hơi sưng phù, đau rát. Vùng da đó khô và bong ra khi vết bỏng lành. Thông thường, những vết bỏng độ 1 lành nhanh trong vòng 7 – 10 ngày và ít để lại sẹo sau đó.
Bỏng cấp độ 1 gây ít tổn thương
Các vết bỏng độ 1 tương đối đơn giản và có thể xử lý tại nhà. Tuy nhiên, nếu diện tích bị bỏng rộng, bỏng vùng mặt hay những khớp lớn như đầu gối, khuỷu tay, vai thì nên đi khám chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn, hạn chế biến chứng có thể xảy ra.
Bỏng độ 2
Mức độ gây tổn thương cao hơn bỏng độ 1 do ảnh hưởng đến nhiều lớp bên dưới của da hơn.
Bề mặt da bị phồng rộp, đỏ rát và đau nhức nhiều. Xuất hiện những mụn nước và bóng nước trên vết thương. Những mụn nước, bóng nước này có thể bể và để lại các vết trợt trên da. Dần dần, vùng da tại vết thương trở nên dày, mềm và trông giống như vảy.
Vết bỏng độ 2 cần khoảng hơn 3 tuần mới lành. Khi da lành, vết bỏng này thường không để lại sẹo nhưng sẽ làm thay đổi sắc tố (màu da) nơi vết thương.
Bỏng cấp độ 2 cần vài tuần để phục hồi
Bỏng độ 3
Đây là cấp độ bỏng nặng nhất và gây nhiều tổn thương nhất. Vết bỏng mức độ 3 ảnh hưởng đến tất cả các lớp của da bao gồm cả thần kinh, mạch máu nên có thể người bệnh không còn cảm giác được đau rát vì thần kinh đã bị tổn thương. Tùy vào nguyên nhân mà các biểu hiện của bỏng độ 3 có thể bao gồm: vùng da bỏng có màu trắng như sáp, xen kẽ vùng da nâu đen, có thể không xuất hiện bóng nước.
Vết bỏng độ 3 có thể làm tổn thương mạch máu, thần kinh và để lại sẹo rất xấu. Đối với loại vết bỏng này, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự điều trị tại nhà để tránh bị nhiễm trùng nặng hơn, gây sẹo xấu hoặc có thể tử vong.
Đây là cấp độ bỏng nghiêm trọng nhất
Xử lý vết bỏng ban đầu đúng đắn giúp cho việc điều trị được hiệu quả. Vì thế, khi bị bỏng, tùy vào mức độ tổn thương sẽ có những cách chữa trị khác nhau.