Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bỏng25/10/2018 - 0
-
Tham gia 22/05/2012
Nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân bỏng
Nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng cho bệnh nhân bỏng phụ thuộc vào các giai đoạn bỏng như sau:
-Giai đoạn sốc bỏng
Nhu cầu năng lượng: Trong 48 giờ đầu sau bỏng, một số nghiên cứu chỉ ra rằng ở bệnh nhân bỏng nặng, mức năng lượng cần cung cấp khoảng 84 - 87 kcal/kg cân nặng/24 giờ.
Công thức tính nhu cầu năng lượng chung là: [(25 x trọng lượng cơ thể (kg) + (40 x % diện tích bỏng)], trung bình khoảng 2.100 - 2.300 kcal
Nhu cầu Protein (g): 70-90 kcal (14 - 16% tổng năng lượng).
Nhu cầu Lipid: 35 - 50 kcal (15 - 20% tổng năng lượng).
Nhu cầu Glucid: 350 - 370 kcal.
- Giai đoạn nhiễm độc, nhiễm trùng và suy mòn bỏng
Nhu cầu năng lượng là khoảng 60 - 65 kcal/kg/ngày, trung bình là khoảng 2.900 - 3.000 kcal.
Nhu cầu Protein: 120 - 140 kcal (16 - 20% tổng năng lượng).
Nhu cầu Lipid: 50 - 60 kcal (15 - 20% tổng năng lượng).
Nhu cầu Glucid: 400 - 450 kcal.
Nhu cầu nước khoảng 2 - 3 lít/ngày.
Số bữa ăn cho bệnh nhân cần được chia nhỏ thành 7 - 8 bữa trong ngày.
- Giai đoạn hồi phục
Ở giai đoạn phục hồi thì nhu cầu năng lượng cần cung cấp là khoảng 3.300-3.500 kcal.
Nhu cầu Protein: 170 - 180 kcal (20 - 25% tổng năng lượng).
Nhu cầu Lipid: 100 - 110 kcal (20 - 30% tổng năng lượng).
Nhu cầu Glucid: 450 - 500 kcal.
Nhu cầu nước vẫn là khoảng 2 - 3 lít/ngày.
Số bữa ăn chia nhỏ ít hơn giai đoạn trước, khoảng 6-7 bữa/ngày. Đặc biệt các trường hợp bỏng nhẹ thì chế độ ăn vẫn có thể duy trì như thường ngày trước khi bị bỏng.
Những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bỏng
- Những thực phẩm nên bổ sung
Ngoài nhu cầu cơ bản như trên, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bỏng cần bổ sung các nhóm chất dinh dưỡng sau để hỗ trợ quá trình hồi phục, tái tạo mô của cơ thể, giúp vết bỏng mau lành và tránh để lại sẹo.
Chất đạm (protein)
Chất dinh dưỡng này có tác dụng tăng cường khả năng tái tạo mô liên kết, giúp làm đầy vết thương. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bỏng mà thiếu hụt lượng đạm cần thiết sẽ làm cho làn da chậm lành vết thương và khả năng hình thành sẹo cũng cao hơn.
Để bổ sung đạm đầy đủ thì bệnh nhân cần sử dụng các loại thực phẩm như thịt lợn nạc, thịt bò nạc, thịt gia cầm, trứng, sữa, cá... Ngoài đạm động vật thì đạm có nguồn gốc thực vật cũng rất có lợi cho bệnh nhân bỏng, đạm có nhiều trong đậu tương, các loại hạt...
Vitamin A
Vitamin A là loại vitamin rất quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình lành vết thương, hỗ trợ quá trình tăng sinh các tế bào da mới và ngăn ngừa sẹo bỏng. Những thực phẩm có hàm lượng vitamin A dồi dào là các loại rau có lá màu xanh sẫm như cải xoong, rau bina... hoặc các loại trái cây thuộc họ cam quýt và chế phẩm từ bơ sữa.
Vitamin C
Bên cạnh vitamin A thì vitamin C cũng hỗ trợ lành vết bỏng hiệu quả. Loại vitamin này là thành phần giúp tổng hợp collagen, chống lại quá trình oxy hóa giúp ngăn ngừa sẹo, lành vết bỏng nhanh chóng.
Bên cạnh đó, vitamin C còn có khả năng kháng khuẩn, hạn chế nhiễm trùng vết bỏng thứ phát do nó cũng tham gia quá trình sản sinh tế bào bạch cầu. Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây như cam, quýt, quả có vị chua...
Kẽm
Kẽm là khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch và tái tạo tế bào. Các loại thức ăn như hải sản, tôm, cua, ốc, hàu, ngao... chính là nguồn cung cấp kẽm dồi dào nhất.
-Một số thực phẩm nên tránh
Hạn chế sử dụng các loại bánh kẹo, thịt xông khói vì gây hao hụt vitamin và chất khoáng mà cơ thể đang tích lũy quá trình liền vết thương, tái tạo mô mềm.
Hạn chế hoặc không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê... Chúng không mang lại lợi ích nào mà còn ảnh hưởng đến sự hấp thu vitamin, chất khoáng và gây rối loạn nước và chất điện giải