Lang ben - bệnh có nguy cơ lây lan rộng và hay tái phát10/08/2016 - 0

Dấu hiệu nhận biết

  • Bệnh lang ben chủ yếu gặp ở nửa thân trên như vùng da bụng lưng, phần trên cánh tay và rất hiếm khi xuất hiện ở vùng mặt (trẻ em có thể có lang beng ở mặt).
  • Ban đầu xuất hiện các chấm, vết, dát hình tròn đường kính 1-2 mm, thường có màu trắng xám, hoặc nâu hồng (nhất là khi ra mồ hôi).
  • Sau đó các tổn thương liên kết với nhau thành các đám có hình vằn vèo, hình bản đồ giới hạn rõ, bề mặt có vảy nhỏ (vảy cám).
  • Bệnh gây ngứa râm ran, nhất là khi nóng, ra mồ hôi. Gây ảnh hưởng nhẹ về thẩm mỹ.

 Các yếu tố nguy cơ gây bệnh

Bệnh do nấm Pityrosporum Ovale - 1 gây ra, loài nấm này ưa môi trường mang tính dầu, mỡ, thường trú cổ nang lông tuyến bã, khi gặp điều kiện thuận lợi thì gây bệnh. Sau đây là các yếu tố nguy cơ cho nấm gây bệnh:

  • Thời tiết nóng ẩm.
  • Ra nhiều mồ hôi.
  • Da tăng tiết dầu.
  • Suy giảm miễn dịch (HIV, trẻ em sau mắc cúm, sởi,...).
  • Thay đổi nội tiết đặc biệt ở tuổi dậy thì, mang thai hoặc sử dụng nội tiết thay thế.
  • Vệ sinh cá nhân kém.
  • Khi tiếp xúc với thời tiết nóng và ẩm ướt làm tăng tiết mồ hôi hoặc khi sử dụng các sản phẩm bôi ngoài da dạng dầu, mỡ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển và gây bệnh.

Nguy cơ lây lan và dễ tái phát

- Nấm Pityrosporum Ovale - 1 làm da không tiếp xúc được với ánh nắng, các đốm có thể biến mất khi nhiệt độ giảm xuống. Tuy nhiên, nó sẽ trở lại vào mùa xuân hoặc mùa hè khi không khí trở nên ấm áp và ẩm ướt.

- Lang ben nếu không điều trị kịp thời sẽ lây lan khắp cơ thể và dễ lây lan từ người này qua người khác theo 2 con đường:

+ Tiếp xúc da trực tiếp

+ Gián tiếp như sử dụng chung quần áo hoặc đồ dùng cá nhân (khăn tắm, khăn mặt, dao cạo râu,...)

- Bệnh làm da trở nên suy yếu khiến người bệnh dễ mắc những bệnh ngoài da khác như chàm da, dày sừng,...

Cách phòng và kiểm soát bệnh

- Tránh sử dụng các sản phẩm gây nhờn da; giảm phơi nắng: tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể gây ra tác hại tồi tệ trên da, khiến da phát ban dễ thấy hơn; sử dụng kem chống nắng mỗi ngày khi ra ngoài; không nên mặc quần áo quá bó; nên mặc các loại vải thoáng khí, chẳng hạn như bông để giảm mồ hôi; sử dụng các thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

- Nếu có các dấu hiệu bất thường trên da như các tổn thương dạng dát hồng, nâu... có vảy hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Khám lại ngay nếu trong quá trình sử dụng thuốc có biểu hiện của tác dụng phụ, không tự ý xử lý khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị

- Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân hàng ngày, vệ sinh cá nhân khi có mồ hôi, có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, không dùng chung đồ đạc. Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là các vitamin và kẽm.

Cùng ch đề