Lưu ý trong điều trị và phong ngừa bệnh nám má14/06/2017 - 0
-
Tham gia 23/02/2016
Nám má (Melasma) là một vấn đề về da thông dụng thường gặp ở phụ nữ mang thai, phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ, cũng có thể gặp ở nam (ít hơn). Bệnh hay xảy ra đối với những phụ nữ có da sậm màu (thuộc loại II-V theo phân loại Fitzpatrick) hoặc phụ nữ sinh sống trong vùng có nhiều ánh nắng mặt trời. Đây là một bệnh lý rối loạn tăng sắc tố mắc phải ở những vùng da hở, chủ yếu vùng mặt, cổ… gây tác động lớn đến yếu tố thẩm mỹ
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác gây bệnh chưa được xác định rõ ràng, dường như bệnh xảy ra khi tế bào sắc tố
tạo ra quá nhiều sắc tố trong các tình huống có các yếu tố thúc đẩy như:
1. Nội tiết
- Phụ nữ có thai: nám má xảy ra ở 75% phụ nữ có thai (còn gọi là mặt nạ thai kỳ) do progesterol ở tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 kích thích các tế bào sắc tố tăng sản xuất sắc tố
- Phụ nữ sử dụng thuốc ngừa thai viên hoặc các thuốc nội tiết tố thay thế trong thời kỳ mãn kinh cũng dễ bị nám
- Phụ nữ bị nám mặt không có nguyên do (không liên quan đến thai hoặc sử dụng thuốc ngừa thai hoặc nội tiết tố thay thế) có thể có thay đổi nội tiết tố do rối loạn buồng trứng
- Ở đàn ông, yếu tố nội tiết không đóng vai trò rõ ràng
2. Tiếp xúc nắng
Đây là một yếu tố thúc đẩy quan trọng nhất
- Tia UV từ mặt trời kích thích các tế bào sắc tố. Thật ra chỉ cần một lượng rất nhỏ ánh nắng mặt trời cũng có thể gây tái phát nám vừa được chữa khỏi
- Tiếp xúc nắng cắt nghĩa tại sao nám nặng hơn vào mùa hè và đó cũng chính là lý do giải thích tại sao nám tái đi tái lại
3. Stress:
Có thể gây bùng phát bệnh do cơ thể tiết ra MSH là nội tiết tố kích thích sản xuất tế bào sắc tố
4. Những yếu tố khác hiếm hơn:
- Mỹ phẩm có thể gây viêm da tiếp xúc, viêm da kích ứng, nhạy cảm ánh sáng dẫn đến tăng sắc tố sau viêm, nám
- Các thuốc gây nhạy cảm ánh sáng (một số thuốc chống động kinh, tretinoin….)
Triệu chứng
- Nám má gồm những vết sẫm màu viền nham nhở, sắc tố tăng không đều nhưng giới hạn rất rõ, đối xứng ở mặt, có thể từng đốm hay kết hợp thành mảng
- Vị trí hay gặp nhất: các đám xạm da nổi ở trán, vùng dưới hốc mắt, má, phần trên sống mũi, môi trên.
- Không có ban đỏ, không có tróc da, không ngứa, tiến triển chậm
Chẩn đoán
- Bác sĩ chuyên khoa da có thể chẩn đoán hầu hết bệnh nhân bằng quan sát da, ví dụ như:
+ Nám nông: nám thượng bì, có màu nâu đậm, bờ rất rõ
+ Nám sâu: nám bì, có màu xanh hoặc nâu lợt, bờ không rõ
+ Nám hỗn hợp: có màu nâu sẫm
- Để biết độ sâu của nám trong da, có thể sử dụng đèn Wood có ánh sáng tử ngoại với bước sóng gần với bước sóng được hấp thu tối đa bởi sắc tố melanin, qua đó các sắc tố da sẽ được phân loại là nằm ở lớp nào :
+ Nám thượng bì: sẽ thấy rất rõ sự tương phản giữa các vùng nơi mà ánh sáng cực tím được hấp thu (các đốm melanin) và các vùng không bị nám xung quanh, bệnh đáp ứng tốt nhất với các loại kem làm trắng, tretinoin tại chỗ, các hoá chất lột
+ Nám bì: nhiều tế bào tiêu huỷ sắc tố ở khắp lớp bì, sự tương phản ít rõ ràng hơn, bệnh không đáp ứng với các sản phẩm điều trị thông thường, khó chữa
+ Nám hỗn hợp: rất phổ biến trong đa số các bệnh nhân, tình trạng nám này là trộn lẫn của hai dạng trên
+ Nám không phát hiện: tình trạng hay thấy ở các bệnh nhân có loại da V và VI, do lượng sắc tố melanin tự nhiên rất cao ở các dạng da sậm màu này làm cho các đốm sắc tố không thể nhận diện được
Điều trị
- Nám má có thể nhạt dần khi những yếu tố thúc đẩy không còn (khỏi tự nhiên trong vòng một năm sau khi sinh con, hoặc ngưng sử dụng thuốc ngừa thai hay nội tiết tố thay thế), tuy nhiên ở một số người, nám có thể tồn tại nhiều năm, thậm chí suốt đời. Trong trường hợp nám không biến mất, hoặc người phụ nữ muốn tiếp tục dùng viên ngừa thai, có thể áp dụng điều trị
- Điều trị nám là một thử thách vì bản chất mãn tính và hiện hữu của bệnh. Điều trị tại chỗ từng đợt và chống nắng triệt để trong suốt và sau quá trình điều trị là những biện pháp thông thường để kiểm soát bệnh. Trong tất cả điều trị, hiệu quả sẽ có từ từ, đáp ứng có thể rất chậm, vì vậy cần phải kiên trì
- Tuỳ vào từng loại da, từng loại nám nông hay sâu, Bác sĩ sẽ quyết định các phương pháp điều trị phù hợp, an toàn, hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn. Bắt đầu một cách từ từ, nhất là đối với da nhạy cảm. Điều trị mạnh có thể gây viêm da kích ứng tiếp xúc, dẫn đến tăng sắc tố sau viêm
Thường thì sự phối hợp các biện pháp điều trị sau đây sẽ có lợi :
- Ngưng sử dụng thuốc viên ngừa thai
- Bảo vệ tránh nắng quanh năm. Dùng loại phổ rộng với SPF cao và trang điểm có chứa chất chống nắng
- Dùng loại rửa mặt có nồng độ nhẹ, và nếu da khô, dùng dưỡng ẩm
- Ngăn ngừa sự tạo các sắc tố mới bằng cách sử dụng các kem làm sáng da
- Cơ chế tác dụng dựa trên sự ức chế có thể hồi phục men tyrosinase và các men khác tham gia vào tiến trình hình thành hắc tố melanin, làm tê liệt hoặc ngăn chận khả năng này. Vì lý do sự ức chế này có thể phục hồi, các phương pháp làm sáng da chỉ phát huy tác dụng khi đang trong quá trình sử dụng sản phẩm. Nếu bệnh nhân ngưng sử dụng các chất ức chế men tyrosinase thì men này sẽ phục hồi hoạt tính của chúng và tế bào hắc tố sẽ bắt đầu sản sinh hắc tố melamin trở lại. Vì vậy, theo cơ chế này thì việc sử dụng sản phẩm làm sáng da phải được duy trì để mang lại kết quả điều trị tốt nhất
- Hydroquinone 2%, 4%: thuốc thông dụng nhất, được sử dụng ngày 2 lần trong 3 tháng, nồng độ cao có thể gây kích ứng da ( viêm da kích ứng ) và giảm sắc tố vùng da xung quanh sang thương điều trị. Hiệu quả sẽ tăng khi phối hợp hydroquinone với một loại lột như glycolic acid hoặc tretinoin. Nếu không cải thiện sau 2-3 tháng, nên ngưng điều trị
- Tretinoin, Corticoid: để tăng cường làm trắng sáng da. Hydrocortisone còn có lợi ích làm giảm hiện tượng viêm da tiếp xúc gây nên do các sản phẩm khác nên thường được sử dụng cả 3 loại trên phối hợp trong một loại kem
- Azelaic acid: giống tác dụng của hydroquinone, sử dụng 2 lần/ngày. Có thể sử dụng lâu dài, và an toàn khi có thai. Tác dụng phụ ghi nhận : hồng ban, tróc vẩy, ngứa, phỏng
5. Sử dụng Vit C 20 % được khuyến cáo sử dụng để cải thiện độ sáng, sắc thái da
6. Lột hắc tố
- Làm tăng tiến trình bong tróc tự nhiên của lớp da ngoài cùng để đào thải hắc tố ra ngoài.
- Phương pháp này được chỉ định cho những bệnh nhân nám vừa đến nặng không đáp ứng với các sản phẩm làm trắng da, tuy nhiên tác dụng phụ thường thấy là tăng sắc tố sau lột, đặc biệt ở người da sẫm
- Hoá chất lột glycolic acid cho ít tác dụng phụ nhất. Bệnh nhân được sử dụng hoá chất lột với nồng độ thấp, và sau đó tăng dần hàng tuần đến hàng tháng tuỳ vào kết quả. Sản phẩm làm sáng da sử dụng tại chỗ thường được dùng trước và trong giữa những lần lột
- Cà da và siêu mài mòn: phải rất cẩn thận vì tổn thương tế bào sắc tố có thể gây tăng sản xuất tế bào sắc tố và làm đậm đen mảng nám
Laser tái tạo bề mặt da ( fractional laser )
Phá huỷ sắc tố với laser sắc tố hoặc máy IPL có thể cho kết quả nhanh nhưng phải cần vài lần điều trị
Cách phòng ngừa
- Sử dụng kem chống nắng hàng ngày, quanh năm. Điều này thật sự quan trọng trong phòng chống nám quay trở lại vì một số tia UV của mặt trời có thể tiếp xúc da khi trời không nắng, thậm chí chúng có thể xuyên qua mây và cửa kính ( xe hơi )
- Phải chắc chắn sử dụng kem chống nắng đạt được 3 tiêu chí : phổ bảo vệ rộng ( bảo vệ khỏi tia UVA và tia UVB ), có chỉ số chống nắng SPF >30, có chứa oxyt Zn hoặc titanium dioxide ( chất chặn tia tử ngoại vật lý ) tốt hơn là chỉ có chất chặn tia tử ngoại hoá học, vì UVA, UVB, và cả nhửng tia sáng thấy được bằng mắt thường đều có khả năng kích thích sự sản xuất sắc tố
- Sử dụng kem chống nắng 20 phút trước khi ra ngoài
- Mang nón rộng vành khi ra nắng
- Sử dụng mỹ phẩm che các mảng nám, chọn sản phẩm có chứa chống nắng
- Tuân thủ qui trình, phác đồ điều trị, sử dụng thuốc và sản phẩm đúng hướng dẫn của bác sĩ để bảo đảm kết quả tối ưu