Nổi mề đay là gì?Các loại mề đay và nguyên nhân gây bệnh.12/12/2018 - 0

   Nổi mề đay là gì?

   Mề đay hay mày đay là tình trạng nổi nhiều mẩn đỏ hoặc các mảng da đỏ một cách đột ngột. Tình trạng này thường liên quan đến phản ứng của cơ thể với một số chất gây dị ứng. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng nổi mề đay có thể xuất hiện mà không rõ nguyên nhân, khoa học gọi là mề đay vô căn.

   Mề đay thường gây ngứa da nhưng đôi khi có thể gây nóng rát hoặc châm chích nhẹ. Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể bao gồm cả môi, mặt, lưỡi, tai, cổ họng và cả khu vực sinh dục.

   Kích thước và hình dạng mề đay có thể khác nhau. Đôi khi các mảng mề đay có thể kết hợp với nhau và tạo thành một khu vực nổi mề đay lớn. Mề đay có thể tồn tại trong nhiều giờ hoặc kéo dài trong vài ngày trước khi được cải thiện dần dần.

   Trong một số trường hợp, mề đay có thể xuất hiện ở khu vực sâu hơn dưới da hoặc ở niêm mạc da. Tình trạng này được gọi là phù mạch. Có khoảng 10% người bệnh mề đay bị phù mạch và khoảng 40% trường hợp xuất hiện mề đay và phù mạch cùng một lúc. Thông thường phù mạch thường xuất hiện ở mặt, xung quanh mặt, môi, bộ phận sinh dục, tay và chân. Phù mạch có thể gây ngứa hoặc đau và có xu hướng được cải thiện trong 72 giờ.

   Trong một số trường hợp nghiêm trọng, mề đay phù mạch có thể gây ảnh hưởng đến cổ họng, lưỡi hoặc phổi. Điều này gây tắc nghẽn hệ thống hô hấp dẫn đến tình trạng khó thở và có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

   Các loại mề đay và nguyên nhân gây bệnh

   Mề đay được hình thành khi cơ thể tiếp xúc với các chất gây dị ứng và giải phóng Histamine và các hóa chất khác dưới bề mặt da.

   Hiện tại các bác sĩ không biết nguyên nhân cụ thể gây nổi mề đay. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch, vết cắn của côn trùng hoặc một số loại thuốc có thể giải phóng Histamine và dẫn đến việc nổi mề đay.

   Mề đay được phân thành nhiều loại khác nhau. Tùy thuộc vào loại mề đay, các nguyên nhân có thể bao gồm:

1. Mề đay cấp tính

   Mề đay cấp tính là tình trạng nổi mề đay xuất hiện và được cải thiện dưới 6 tuần. Các nguyên nhân phổ biến thường bao gồm một số loại thực phẩm, thuốc, vết cắn của côn trùng, tình trạng nhiễm trùng hoặc một số bệnh lý trong cơ thể.

   Một số loại thực phẩm có thể gây mề đay cấp tính bao gồm các loại hạt, chocolate, cà chua, một số loại cá, sữa và quả mọng (như dâu tây). Bên cạnh đó, các loại thực phẩm tươi không được nấu chín hoặc các loại thực phẩm chế biến sẵn có chứa chất phụ gia thường có nguy cơ gây nổi mề đay cao.

   Các loại thuốc có thể gây mề đay phù mạch như Aspirin và các thuốc chống viêm không Steroid khác, thuốc huyết áp cao và một số loại thuốc giảm đau.

2. Mề đay mãn tính

   Mề đay mãn tính là tình trạng nổi mề đay kéo dài hơn 6 tuần. Nguyên nhân của tình trạng này thường khó xác định hơn so với mề đay cấp tính.

   Hầu hết người bệnh mề đay mãn tính đều không thể xác định nguyên nhân, khoa học gọi là mề đay mãn tính vô căn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tình trạng này có thể liên quan đến các bệnh về tuyến giáp, viêm gan hoặc các bệnh nhiễm trùng như ung thư.

   Mề đay mãn tính có thể gây phù mạch và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng như hệ thống cơ, phổi và đường tiêu hóa. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau nhức cơ bắp, khó thở, tiêu chảy

3. Mề đay vật lý

   Mề đay vật lý là tình trạng phát ban do kích thích vật lý trực tiếp lên da. Các nguyên nhân phổ biến có thể bao gồm:

  • Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp
  • Đổ mồ hôi nhiều và luyện tập thể dục
  • Phơi nắng
  • Áp lực lên da

   Mề đay vật lý thường xuất hiện ở khu vực da bị kích thích và hiếm khi ảnh hưởng đến vùng da khác. Hầu hết các trường hợp, mề đay sẽ được cải thiện trong vòng 1 giờ sau khi tiếp xúc.

4. Mề đay da vẽ nổi

   Mề đay da vẽ nổi hay da vẽ nổi là dạng mề đay vật lý phổ biến nhất. Tình trạng này thường xảy ra sau khi da bị ma sát, vuốt ve, gãi hoặc bị tác động bởi một vật nhọn (đầu bút bi, bút chì hoặc cành cây).

   Mề đay da vẽ nổi có thể xuất hiện kèm các dạng mề đay khác và có xu hướng tự cải thiện trong vài giờ hoặc một ngày.

   Dấu hiệu nhận biết nổi mề đay

   Mề đay thường gây nổi mẩn đỏ với đường kính từ vài mm đến vài cm, màu trắng hoặc đỏ. Mề đay có xu hướng kéo dài trong vài phút hoặc vài giờ và có thể thay đổi hình dạng, tùy thuộc vào các yếu tố tác động.

   Mề đay có thể xuất hiện theo nhiều đợt, cực kỳ ngứa thường phổ biến ở tay, chân và mặt. Tuy nhiên, các bộ phận khác trên cơ thể bao gồm lưng, ngực và bộ phận sinh dục cũng có thể bị nổi mề đay.

   Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng mề đay có thể tự cải thiện trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, đôi khi mề đay có thể xuất hiện cùng các vết thương trên cơ thể và sẽ biến mất khi vết thương lành hẳn.

   Mề đay mãn tính thường có xu hướng tái phát trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Thông thường mề đay không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp mề đay có thể đi kèm sốc phản vệ và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

   Sốc phản vệ là tình trạng gây mất ý thức và có thể gây tử vong nếu không được điều trị phù hợp. Do đó, đưa người bệnh đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các triệu chứng như:

  • Buồn nôn và nôn
  • Sưng niêm mạc miệng, lưỡi, môi, cổ họng hoặc gây khó thở
  • Người lạnh và đổ nhiều mồ hôi
  • Rối loạn nhịp tim
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Có cảm giác lo lắng đột ngột và dữ dội

   Những người có bệnh dị ứng cần phải lưu ý những dấu hiệu sốc phản vệ để có biện pháp xử lý phù hợp

 

Cùng ch đề