Viêm da tiết bã da đầu là bệnh gì?24/10/2019 - 0
-
Tham gia 12/03/2017
Viêm da tiết bã da đầu còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như viêm da dầu ở đầu, bệnh gàu, chàm da nhờn hay chàm mỡ dầu. Đây là một dạng bệnh da liễu mãn tính, được hình thành khi tuyến bã nhờn nằm ở dưới da đầu bị rối loạn và làm tăng sinh quá mức của nấm men (Candida albicans hoặc Malassezia). Căn bệnh viêm da tiết bã không chỉ khởi phát ở da đầu mà còn có khả năng hoạt động mạnh mẽ ở nhiều vị trí khác như ngực, cổ, cánh mũi, da mặt, sau tai.
Cả trẻ nhỏ và người lớn đều có khả năng bị viêm da dầu ở đầu. Đối với trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 0 – 3 tháng tuổi thì bệnh có khả năng biến mất khi trẻ lớn lên mà không nhất thiết phải điều trị y tế. Ở người lớn, mặc dù trường hợp mắc bệnh chiếm tỷ lệ thấp nhưng bệnh có xu hướng tiến triển dai dẳng, dễ tái phát. Điều này gây ra không ít sự phiền toái trong cuộc sống và làm ảnh hưởng lớn đến giá trị thẩm mỹ.
Nguyên nhân gây ra viêm da tiết bã da đầu
Hiện các nhà nghiên cứu khoa học chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây viêm da tiết bã da đầu ở cả người lớn và trẻ em. Nhưng nhiều nghiên cứu cho biết cơ chế gây bệnh có mối liên hệ mật thiết với sự rối loạn hoạt động của tuyến bã nhờn cùng với sự tăng sinh quá mức của nấm Malassezia hoặc nấm Candida albicans.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu còn cho biết, viêm da dầu ở đầu cũng có bản chất di truyền khá cao. Điều này có thể hiểu, nếu người cha, người mẹ hoặc cả hai có tiền sử mắc bệnh thì khả năng con cái sinh ra cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm da tiết bã da đầu. Ngoài ra, đối với trẻ sơ sinh, hormone dư thừa của người mẹ lẫn vào cơ thể của thai nhi trong thai kỳ cũng có khả năng gia tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị bệnh.
Ngoài cơ chế hình thành bệnh trên thì vẫn còn nhiều tác nhân xúc tác khác cũng có thể làm khởi phát tình trạng viêm da tiết bã, bao gồm:
- Thể địa da dầu: Là tình trạng rối loạn tiết bã da dầu có tính chất di truyền cao. Đây được xem là yếu tố quan trọng trong cơ chế sinh bệnh chàm mỡ da dầu. Lượng bã nhờn bài tiết quá nhiều sẽ tạo điều kiện cho nấm men ngoài môi trường dễ dàng xâm nhập, phát triển và sinh viêm;
- Dị ứng: Dị ứng dầu gội đầu, dị ứng thuốc nhuộm tóc, dị ứng thức ăn hay dị ứng thời tiết là những triệu chứng dị ứng điển hình liên quan đến da đầu. Chúng kích thích phản ứng viêm da tiết bã bùng phát;
- Ảnh hưởng từ các bệnh da đầu khác: Các đối tượng có tiền sử mắc bệnh vảy nến, gàu, chàm da đầu có nguy cơ mắc bệnh viêm da dầu cao hơn người bình thường;
- Sức đề kháng yếu: Khi sức đề kháng bị suy yếu, các nấm men có cơ hội tốt để tấn công vào cơ thể và phát triển bệnh. Trường hợp này gặp nhiều nhất ở phụ nữ mang thai, người vừa mới khỏi ấm, người bị suy nhược;
- Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Nhiều nghiên cứu khoa học cho biết, chế độ ăn uống không lành mạnh cũng có thể trở thành thủ phạm làm gia tăng nguy cơ bị viêm da dầu, đặc biệt là đối tượng lạm dụng rượu, bia, thuốc lá. Nguyên nhân là do các thực phẩm này có thể kích hoạt sự hoạt động mạnh mẽ của tuyến bã nhờn khiến cho lượng bã trong tuyến nhờn tiết ra quá mức, đồng thời các nấm men tấn công và sinh bệnh;
- Thừa cân, béo phì: Những đối tượng này thường có xu hướng tiết nhiều mồ hôi hơn người có trọng lượng ổn định nên dễ tuyến bã nhờn dễ bị rối loạn cùng với các hormone khác gây nên tình trạng viêm da dầu ở đầu;
- Một số yếu tố khác: Một số yếu tố nội sinh và ngoại sinh khác cũng có thể làm tăng tuyến bã nhờn và bùng phát tình trạng viêm tiết bã nhờn ở đầu như: môi trường ô nhiễm, cơ thể bị căng thẳng, stress quá mức, thói quen thức khuya, mất ngủ, lạm dụng thuốc,…
Bệnh viêm da tiết bã ở đầu có thể bùng phát từ nhiều yếu tố tác động khác nhau, bao gồm cả yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Tuy nhiên, yếu tố thể địa da dầu đóng vai trò rất quan trọng trong cơ chế sinh bệnh. Nếu không có yếu tố này thì da đầu gần như không bùng phát triệu chứng của bệnh dù có các yếu tố kích ứng đã kể trên.
Triệu chứng của viêm da tiết bã da đầu
Triệu chứng viêm da tiết bã da đầu ở người lớn sẽ khác với trẻ nhỏ nên mức độ nguy hiểm cũng khác nhau. Cụ thể hơn:
Nhận biết viêm da tiết bã da đầu ở trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi là đối tượng rất dễ bị viêm da tiết bã ở đầu. Hiện tượng này còn được dân gian gọi là “cứt trâu đầu”. Nhiều trường hợp tình trạng này sẽ tự biến mất khi trẻ lớn lên mà không cần điều trị. Một số triệu chứng đặc trưng ở trẻ nhỏ bao gồm:
- Không có cảm giác bị ngứa hay châm chích;
- Đầu trẻ có mùi hôi khó chịu dù đã thường xuyên gội đầu;
- Xuất hiện một hoặc nhiều mảng cứng màu trắng hoặc hơi vàng. Sau một thời gian có thể chuyển sang màu sẫm hơn;
- Diện tích của mảng bám có thể nhỏ hoặc rộng ra toàn đầu;
- Các mảng bám có xu hướng bị bong ra sau một thời gian;
- Có thể xuất hiện các mảng ban đỏ hoặc là không có;
- Một số trường hợp các mảng bám có thể lan xuống dưới mặt, mí mắt và cổ.
Nhận biết viêm da tiết bã da đầu ở người lớn
Ở người lớn, bệnh viêm da dầu nhờn vùng đầu có mức độ nặng hơn so với trẻ nhỏ bởi cơ chế hình thành khá phức tạp, bệnh có xu hướng phát triển dai dẳng và dễ tái phát. Một số triệu chứng đặc trưng thường gặp như:
- Da đầu xuất hiện mảng đỏ như phát ban và có nhiều vảy bong có kích thước nhỏ;
- Vùng da bị tổn thương ở diện tích nhỏ hoặc lan rộng ra toàn đầu;
- Chân tóc có xu hướng bết rít;
- Ngứa ngáy và kèm nóng rát ở mức độ nhẹ;
- Viền tóc thường nổi cộm, có màu đỏ và vảy trắng bên trên. Thậm chí một số trường hợp có ranh giới ràng với vùng da lân cận.
Viêm da tiết bã ở vùng đầu có nguy hiểm không?
Nhận định từ chuyên gia y tế cho biết, viêm da tiết bã da đầu là bệnh da liễu lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng vì chỉ gây tổn thương bên ngoài. Không những vậy, bệnh có xu hướng tự biến mất theo độ tuổi mà không cần đến sự can thiệp của y khoa (đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi). Tuy nhiên, với người lớn thì bệnh có xu hướng tiến triển dai dẳng, dễ tái phát, thậm chí để lại nhiều biến chứng.
Một số biến chứng của viêm da tiết bã ở vùng đầu mà bạn có thể gặp phải nếu không điều trị đúng cách như:
- Rụng tóc: Là một trong những biến chứng điển hình của bệnh viêm da tiết bã ở đầu. Khi da đầu gặp vấn đề thì chân tóc sẽ trở nên yếu đi và dễ mất cân bằng hệ vi sinh ở da đầu, từ đó khiến tóc bị rụng trong thời gian dài. Bên cạnh đó, tóc có thể bị chẻ ngọn và xơ yếu. Đây đều là những vấn đề liên quan đến thẩm mỹ nên bạn cần phải quan tâm;
- Viêm da tiết bã bội nhiễm: Đây là một biến chứng nguy hiểm xảy ra ở người thường xuyên gãi da đầu khiến chứng bị trầy xước và viêm loét trong khoảng thời gian. Vùng da bị trầy xước thường có xu hướng chảy nước và có mùi hôi. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây tổn thương, thời gian sau dẫn đến bội nhiễm;
- Gia tăng nguy cơ mắc bệnh da đầu khác: Da đầu sẽ trở nên nhạy cảm hơn nếu bị viêm da tiết bã nhờn da đầu kéo dài. Từ đó khiến da đầu dễ mắc các bệnh lý liên quan khác như vảy nến, gàu, chàm, nấm da đầu,…
Thêm một vấn đề khác mà bạn cũng nên quan tâm. Viêm da tiết bã ở đầu là bệnh ngoài da không do vi khuẩn hay virus gây ra nên không có yếu tố lây lan. Người bệnh hoàn toàn có thể sinh hoạt và dùng chung đồ với mọi người mà không quá lo lắng đến trường hợp lây bệnh.